Sau đây là bản thảo mới nhất về Tiểu sử Ngài Hung Kar Dorje Rinpoche, từ chị Bích Quyên (tức là Jampal Dolma, một đệ tử Tâm yếu ở tại Hoa Kỳ của Ngài Hung Kar Rinpoche. Bản thứ nhất đã được Dịch giả Thanh Liên hiệu đính và đăng tải trên website của Thư Viện Hoa Sen. Đây là bản viết thứ 2 do chị Bích Quyên bổ sung thêm những sinh hoạt mới nhất của Ngài Hung Kar Rinpoche. Hầu hết những dữ liệu trong bài viết này đã do chính Thầy HungKar Rinpoche truyền khẩu lại sau một buổi giảng Pháp tại San Jose vào vài năm trước cho chị Bích Quyên để ghi chép lại. Sau đó, bản thảo bằng tiếng Anh đã được Ngài duyệt xét lại và đồng ý cho ông Tulku Sherab Dorje hiệu đính lại trước khi phát tán ra cho các đệ tử trên mạng internet. Dịch giả Thanh Liên đã góp công phối hợp với chị Bích Quyên để chuyển ngữ lại thành tiếng Việt.và giúp đưa lên trang web của Thư Viện Hoa Sen bản dịch thứ 1).
“Nơi nào có kẻ thành tâm học hỏi Phật pháp để tìm giải thoát rốt ráo, tôi nguyện sẽ hết lòng hỗ trợ, hướng dẫn họ tu tập giáo pháp chân chính và đạt kết quả ngay trong đời sống. Tâm nguyện này của tôi không bị giới hạn bởi bất cứ rào cản nào của không gian, thời gian hay điều kiện vật chất.”
Lời nguyện hùng tráng và dõng mãnh này là của Hungkar Dorje Rinpoche, vị Hóa thân trí huệ, trụ trì tu viện Thubten Chokor Ling tại Golog, Tây Tạng. Rinpoche là tiếng gọi của người Tây Tạng dùng chỉ Hóa Thân của một vị Đạo sư chứng đắc. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, để thực hành Bồ Tát hạnh, một hành giả thượng thặng sẽ tái sinh trở lại để hoàn tất những công trình còn dang dở hay tiếp tục thực hiện chí nguyện từ bi thanh tịnh của mình. Theo hạnh nguyện và nhân duyên đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước, Thầy Hungkar Dorje đã trở lại trái đất trong kỷ nguyên này để tiếp tục đại nguyện xiển dương Phật giáo Đại thừa và Kim Cang thừa khắp thế giới cho những kẻ hữu duyên, và để xua tan khổ đau, mang lại sự giải thoát cho chúng sinh các cõi. Tiền kiếp của ngài là một chuỗi dài hóa thân của nhiều Đạo sư Phật giáo lừng danh với công hạnh bao la không thể nghĩ bàn mà những chứng tích vĩ đại vẫn còn lưu truyền đến ngày nay để nhân loại nhìn thấy thực chứng của sự tu tập Phật giáo chân chính.
Từ thưở nhỏ, tại Tây Tạng, ngài đã được chính thức chứng nhận là một đấng Hóa thân bởi nhiều Đạo sư Tây Tạng vĩ đại như Khai Mật Tạng Đại Pháp Vương Kusum Lingpa, Tổ Do Drupchen, Thánh giả lãnh đạo dòng Cổ Mật Penor Rinpoche v.v.. và sau này bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều Thánh tăng Tây Tạng khác. Tiền kiếp được xác nhận của ngài là Hóa thân về tâm của Trì Minh Vương Jigme Lingpa và Đại Thánh Sư Do Khyentse. Trải qua hàng trăm năm, dòng Hóa Thân Khyentse luôn là những bậc tiên phong trong việc phát triển và bảo tồn truyền thống hệ phái Phật giáo Kim Cang Cổ Mật tại Tây Tạng. Tu viện mà ngài Hungkar Dorje hiện là trụ trì với hàng ngàn tăng sĩ đang tu học chính là một trong những cơ sở lớn của dòng Cổ Mật với trọng trách xiển dương, bảo tồn Chánh Pháp trong thời mạt pháp này.
Cả hai bên nội, ngoại của ngài đều thuộc dòng dõi của nhiều Thành tựu giả và Đạo sư Phât giáo lỗi lạc với cội nguồn chân chính từ thời Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ hay thời Đại sĩ Liên Hoa Sanh ở Tây Tạng; và cũng chính thân thế cao quý và độc đáo của ngài đã làm cho đời sống thơ ấu của ngài trong môi trường những người du mục Tây Tạng đã khó khăn lại càng nghiệt ngã hơn.
Khi Tây Tạng bị chiếm đóng, nhiều Tu sĩ và Lạt ma bị tống giam. Trong số những Đạo sư sống sót có thân phụ ngài, Đức Orgyen Kusum Lingpa, người nổi danh là “Yogi Vĩ đại xứ Golok,” vị Terton Sống và Đạo sư Nyingma chứng ngộ, vị trì giữ dòng truyền thừa của Dzogchen Pema Nyingthig và Hóa Thân của nhiều Đại Thành tựu giả như Drilwupa xứ Ấn Độ, Thánh giả Drukpa Kunley của Nepal, Đạo sư Nyima Drakpa xứ Tây Tạng và đặc biệt ngài là Hóa thân trực tiếp của ngài Lhalung Palgi oai hùng, một trong 25 đệ tử tâm truyền của Đức Liên Hoa Sanh Đại sĩ mà người Tây Tạng thường gọi là Guru Rinpoche…
Trong thời gian thân phụ bị cầm tù, điều kiện sống của gia đình ngài vô cùng khó khăn. May mắn thay, nhiều vị Đạo sư cao cấp của Phật Giáo trong vùng đã che chở Hungkar Dorje Rinpoche bằng cách giữ bí mật về thân thế thiêng liêng của ngài và âm thầm hỗ trợ vật chất. Nhờ đó năm lên chín tuổi, ngài được gửi tới Tu viện Palyul của dòng Nyingma ở Golok để tu học và hoàn tất chương trình Phật học căn bản, bao gồm trên mười năm nghiên cứu và thực hành Đại thừa và Kim Cương thừa như Ngondro, Tsalung và Dzogchen. Đây là giai đoạn mà ngài đã được các bậc Thánh tổ tại Tây Tạng như Đạo sư vĩ đại Akong Khenpo, Tổ Do Drupchen đích thân truyền thụ giáo lý, đào tạo và hướng dẫn đặc biệt v.v..
Trong mùa đông băng giá năm 1990, ngài Hungkar Dorje đã cùng vài thị giả rời Tây Tạng sang Ấn Độ để thực hiện chí nguyện tầm cầu, học hỏi rốt ráo giáo lý Phật giáo. Cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách khốc liệt bằng đường bộ đã từng có lúc khiến ngài suýt bỏ mạng giữa đường. Nhiều câu chuyện kỳ diệu được thuật lại từ cuộc hành trình của ngài là bằng chứng cho thấy sự gia trì của Tam Bảo và chư vị Hộ Pháp thật vô cùng huyền nhiệm.
Theo lời thuật lại của chính Thầy Hungkar cho các đệ tử tâm truyền, nhóm của ngài đã trải qua 20 ngày vượt qua núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn bằng đường bộ khi nhiệt độ xuống tới 30 độ dưới không. Vì sợ bị phát hiện, họ chỉ có thể đi vào ban đêm là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất. Ban ngày, khi mặt trời lên thì phải tìm nơi ẩn núp. Dọc đường, đôi ủng của ngài bị thấm tuyết đã rách nát, và ngài phải bước đi trong đau đớn vô chừng khi tuyết lạnh thấm vào những vết cắt sâu đau đớn ở chân không có thời gian để lành lặn. Khi vượt qua rặng Hy Mã Lạp sơn, ngài ngã bệnh nặng và sốt mê man, lương thực lại hết và cả đoàn phải nhịn đói suốt 3 ngày, lại thêm bị lạc hướng. Tình trạng tệ đến nỗi cả đoàn đã tưởng phải bỏ mạng bên sườn núi. Nhưng rồi mọi sự đã trở nên tốt đẹp trong những chuyển biến nhiệm màu. Nhờ năng lực gia hộ của chư Hộ Pháp, cuối cùng cả đoàn đã đến được biên giới Nepal. Tại đây, họ được các nhà thám hiểm giúp cho lương thực, nước uống để hồi phục sức khỏe rồi sau đó đáp một máy bay nhỏ sang Ấn Độ. Cũng nên nhắc lại là trong tiền thân gần nhất của ngài là Đại Thánh Sư Do Khyentse của Phật giáo Tây Tạng, qua truyền thuyết và các lời dạy của nhiều vị tổ đã được ghi lại trong tài liệu Phật giáo thì chính Hộ pháp Rahula là thị giả thường xuyên của ngài.
Sau đó, tại Ấn Độ ngài đã tiếp xúc mật thiết với Đức Đạt Lai Lạt Ma, và chính Người thu xếp cho ngài tới tu viện Drepung của phái Hoàng Mạo để tiếp tục tu học trong chương trình Phật Học cao đẳng thuộc dòng Gelug. Mọi phí tổn trong việc sinh hoạt và nghiên cứu của ngài được văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo trợ. Trong suốt năm (5) năm sau tu học tại đây, ngài luôn luôn là một trong các học viên ưu tú của tu viện, thường được khen ngợi là bậc “Tam muội biện tài” bậc nhất.
Năm 1994, Rinpoche được chính thức đăng quang là Hóa Thân của Do Khyentse Yeshe Dorje và Jigme Lingpa. Lễ đăng quang được cử hành ở Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ dưới sự bảo trợ của dòng Nyingma, Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị lãnh đạo cao cấp nhất của những dòng truyền thừa Phật Giáo khác. Bài kệ “Lời Cầu nguyện Trường thọ cho Hungkar Dorje Rinpoche” dưới đây được chính Đức Đạt Lai Lạt Ma biên soạn, biểu thị rõ ràng mối liên hệ của Hungkar Rinpoche với những đời trước, và tiên đoán những thành tựu trong tương lai của ngài.
Sau khi nhận được tin tức của lễ đăng quang này, chính quyền địa phương tại Golog đã gởi một bức thư nói rằng họ chấp nhận cho ngài trở về Tu viện của ngài và hứa không kết tội về những lần trốn tránh trước đây. Theo khẩn cầu của cư dân Golog và hứa nguyện của tiền thân, Rinpoche trở về Golog. Lễ đăng quang được cử hành một lần nữa tại Golog, và ngài đảm nhận chức vụ Trụ trì Tu viện Thubten Chokor Ling từ đó đến nay. Hiện Tu viện có gần ngàn tu sĩ đang nghiên cứu và thực hành dưới sự hướng dẫn của ngài, ban lãnh đạo của tu viện gồm nhiều vị trong số này là những hành giả thành tựu cao cấp.
Nền tảng việc tu hành của Rinpoche trong những truyền thống Phật Giáo Tây Tạng khác nhau đã khiến ngài nổi danh là một Đạo sư Phật Giáo của muôn người không phân biệt bộ phái. Môn đồ của ngài đến từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả những tôn giáo bên ngoài Phật giáo. Hàng năm, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về tu viện Thubten Chokor Ling để được học hỏi và nhận giáo pháp chân chính qua lời truyền dạy của ngài. Golok là một môi trường khắc nghiệt ở độ cao trên mười ngàn phút (khoảng ba ngàn mét) và dân chúng ở đó là những người du muc nghèo khổ. Vùng đất này được gọi là nóc nhà của thế giới (roof top of the world), nhưng bị núi non và một con sông rộng ngăn cách với những vùng đất có phát triển tốt hơn. Thưở xưa, yếu tố này đã giúp ngăn chặn những cuộc xâm lược của ngoại quốc, nhưng nó cũng cắt đứt mối quan hệ phát triển thương mại và kinh tế giữa Golok với thế giới bên ngoài. Rinpoche đã làm việc không mỏi mệt để phát triển và vay mượn những nguồn tài chính nhằm xây dựng một chiếc cầu kết nối Golok với những vùng phát triển bên ngoài. Cuối cùng, vào năm 1999, cây cầu đã được xây dựng. Suốt từ đó tới nay, điều kiện sinh sống của cư dân Golok đã được cải thiện rất nhiều.
Môt trong những ước nguyện của Rinpoche là mang lại phúc lợi cho đời sống của người dân Golok và các hành giả Phật giáo ngay trong cuộc sống hiện tiền, ngài đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương và gây vốn để cuối cùng đã đưa được nguồn điện vào Golok năm 2002.
Rinpoche thường mỉm cười khi ngài nói về thời mà các thế hệ tu sĩ trước đây phải học tập trong bóng tối dưới ánh nến, và sau này thường bị bệnh về mắt. Giờ đây, với nguồn điện, các tu sĩ, hành giả và học viên có thể có nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu và thực hành mà không bị tổn hại thị lực của họ. Với sự hài hước đầy thiện tâm, ngài nói: “Bây giờ thì chẳng có lý do gì để lười biếng nữa!”
Như những lời tiên tri của các thánh tổ Phật giáo về sự nghiệp hoằng pháp vĩ đại của ngài trong đời này sẽ để lại bao nhiêu phúc lợi trong thế gian qua nhiều thế kỷ, Hungkar Dorje Rinpoche làm việc không ngừng nghỉ để xiển dương Phật pháp qua mọi hình thức. Ngài như chúa mãnh điểu giang đôi cánh rộng đưa Giáo Pháp đến khắp mười phương. Ngài như mặt trời mang lại ánh sáng an lạc, thanh tịnh và giác ngộ đẩy lùi tăm tối của phiền não, tà kiến và mê lầm.
Việc tu tập của ngài rất nghiêm chỉnh và kỷ luật. Ngài thường xuyên nhắc nhở môn đồ về lẽ vô thường để khích lệ họ nỗ lực tu hành…chúng ta thực hành Phật pháp thì phải chú trọng đến việc tu tập nghiêm chỉnh và hạ quyết tâm rốt ráo để có được kết quả ngay đời này, chứ không chỉ làm công đức để có phước báu trong đời sau vì thân người quá hiếm hoi, liệu có đủ phước đức để trở lại làm người hay không" Vì thế khi đang có được thân tướng con người, ta không thể phí phạm cơ hội quý báu có thể đưa đến kết quả giác ngộ.
Hàng Đại Bồ Tát đã vượt thời gian khi thực hiện các công hạnh. Tuy tuổi còn trẻ, Hungkar Dorje Rinpoche đã làm việc không ngừng để hoàn thành và tiếp tục nhiều công trình vĩ đại của Phật giáo như:
• Hoàn thành các bảo tháp Bồ Đề Đạo Tràng, Tháp Phật Thích Ca, Tháp Milarepa tại Golok.
• Trùng tu Đại Tháp cho Hòa bình Thế giới tại Golok.
• Hoàn thành Mạn đà la của Đức Liên Hoa Sanh và Chùa Samye ở Golok.
• Thành lập Phật Học viện để đào tạo các học viên xuất sắc từ lớp căn bản đến cao cấp trong chương trình tu tập kéo dài chín năm.
• Biên soạn và xuất bản nhiều sách văn học, nghệ thuật và giáo lý Phật Giáo, trong đó có quyển Thangka của 108 vị Phật Thiền, Hóa Thần (Yidam), Hộ Pháp và Thiên nữ Trí Huệ (Dakini) mang lại rất nhiều lợi ích cho việc thực hành quán tưởng của các Hành Giả Kim Cang của dòng Longchen Nyingthig.
• Thâu thập, biên soạn, ấn hành và phân phối toàn bộ “Lời Phật Thích Ca trong suốt 49 năm thuyết Pháp” (Kanjur). Tổ chức biên soạn, dịch thuật và ấn hành những bản văn Giáo Pháp gốc của dòng Longchen Nyingthig cùng những giáo lý linh thánh đã được khai quật của Lamasang và một số Thánh sư Phật giáo. Hungkar Dorje Rinpoche đã viết và cho phát hành nhiều bài kệ, luận giảng và hiệu đính một số Mật pháp Kim Cang mà tiền thân linh thánh của Ngài đã từng khai quật (Terma) hoặc soạn thảo. Những pháp bộ và các bài kệ này hiện đang được hành giả Kim Cang từ nhiều nước khác nhau đọc tụng.
• Tổ chức và hướng dẫn lễ puja Shambala hàng năm ở Tây Tạng từ năm 2004. Đây là lễ Shambala đầu tiên trên thế giới với mục đích đầu tiên là cầu nguyện, hồi hướng cho những sinh vật đã phải hy sinh tính mạng cho sự sinh tồn của nhân loại và cũng để hồi hướng công đức của việc làm này cho thế giới được an lạc, chúng sinh các cõi bớt khổ đau nhờ giảm bớt năng lực xấu và các hành vi bất thiện.
• Thành lập Tổ chức Gesar of Ling (tên một vị vua anh hùng của Tây Tạng, Hóa thân của Liên Hoa Sanh Đại sĩ) vào năm 2004, là tổ chức họat động nhân đạo và văn hóa. Ngài Hungkar nổi tiếng là vị tiên phong trong việc bảo tồn văn hóa, truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Tổ chức Gesar of Ling hiện đang tiến hành việc thành lập một hệ thống trường học địa phương trong vùng Golok để giúp bảo tồn truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Tây Tạng. Ngoài ra, tổ chức này cũng thực hiện những chương trình nhân đạo để giúp đỡ người già cả và tàn tật, là những người hiện không nhận được sự trợ giúp của chính phủ ở Tây Tạng.
Tại Golog, ngài cũng đang chuẩn bị xây ni viện đầu tiên cho khoảng 200 ni. Theo ngài, trong tinh thần Bát Nhã Đại thừa thì không còn phân biệt thân nam và thân nữ nếu đã đạt được tính Không thanh tịnh. Do đó nữ giới cũng cần được trợ duyên để có cơ sở, phương tiện tu học hầu đạt kết quả giải thoát nhanh chóng. Thêm vào đó, trong Kim Cang thừa, nữ tính là biểu thị của trí huệ, các Bồ Tát và hành giả vĩ đại trong thân tướng nữ nhân như Đức Tara, Yeshe Tsogyal, Mandarava v.v.. rất được tôn kính.
Như đã nói trên, ngài đã hoàn tất việc thực hiện công trình sưu tập toàn bộ giáo lý và các lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca (Kanjur) khi còn tại thế; sau đó hiệu đính, sắp xếp lại thành toàn bộ rồi xuất bản, phát hành để Phật tử và các học giả khắp nơi trên thế giới lấy đó làm căn bản chân chính tu tập. Trong thời mạt pháp này, khi quỷ ma mượn áo Phật để lộng giả thành chân, bày vẽ các việc gian dối, mạo danh lời Phật để hướng dẫn người tu tập vào ma đạo, công trình này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh và để bảo tồn giáo lý chân chính cho các hành giả Phật giáo trong đời này cùng nhiều thế hệ tương lai. Đây là một dự án khổng lồ hiện đang được thực hiện với sự tham gia của hàng ngàn tu sĩ và các Phật tử thuộc mọi tầng lớp xã hội. Lãnh đạo của các hệ phái khác đều hết lòng tán thán công đức vô lượng của ngài và cũng sẵn lòng tham gia giúp đỡ việc sưu tập Kinh điển bí truyền đã bị thất lạc hay rải rác ở nhiều nơi.
Việc làm này cũng liên hệ đến lời nguyện của tiền thân ngài khi là Pháp vương Trisong Deutsen, một trong 25 để tử tâm truyền của Đức Liên Hoa Sanh, người đã có công giúp cho Chánh Pháp của Đức Phật chói ngời như vầng thái dương rạng rỡ trên Xứ Tuyết. Thêm vào đó là mối liên hệ tiền thân thiêng liêng của ngài cùng Tôn giả A Nan, vị thị giả đa văn thông tuệ của Đức Phật Thích Ca, người đã ghi lại, kết tập những lời vàng của đấng Từ phụ khi còn trụ thế.
Tất cả những dự án quan trọng, đầy ý nghĩa này được thực hiện để hồi hướng công đức cho lợi ích của tất cả chúng sinh. Khi nghe nói về những thành tựu và những đời trước của ngài, Hungkar Rinpoche luôn luôn hết sức khiêm tốn và với một nụ cười dịu dàng trên khuôn mặt, ngài thường trả lời rằng: “Tôi chỉ là một tu sĩ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với rất nhiều điều phải học tập và hoàn thiện.” Lòng từ bi bao la và trí huệ thanh tịnh của ngài đã mang nhiều lợi ích cho bao chúng sinh, vượt không gian và vượt cả thời gian như lời nguyện hoằng pháp mãnh liệt của chính ngài. Ngài luôn ứng dụng Phật pháp và các phương tiện thiện xảo vào cuộc đời để mang lại phúc lợi cho chúng sinh trong mọi mặt.
Những lời Pháp thâm thúy, diệu vợi của bậc thánh giả đã chuyển tâm, chuyển nghiệp, cứu vớt bao sinh linh ra khỏi cảnh trầm luân của địa ngục đau thương do bởi chính vọng tưởng, sai lầm của vô minh. Nhiều người chỉ nhìn thấy Thầy, hoặc nghe tiếng trong điện thoại, nghe lời giảng trong đĩa CD được thâu lại cũng đã cảm thấy an lạc, bao nỗi khổ được xoa dịu và kinh nghiệm sự giải thoát thanh tịnh. Phương pháp giảng dạy của ngài rất độc đáo và thực tiễn. Ngài thường thuyết giảng về những vấn đề, chướng nạn của nhân sinh ngay trong đời sống hàng ngày. Sự sâu sắc nhiệm màu của Phật pháp được lồng trong những lời nói đơn giản nhưng trực tiếp và mạnh mẽ như nhát kiếm trí tuệ của Đức Văn Thù Sư Lợi cắt đứt vô minh phiền não của người nghe. Năng lực tha tâm thông của Đại Bồ Tát đã luôn cảm ứng với tâm thành của những người có phước duyên. Người ta thường kể lại rằng trong các buổi giảng dạy trước đây, rất nhiều lần trong khi tạm nghỉ giữa khóa, các môn đồ họp nhau lại thảo luận về một số đề tài còn chưa thông suốt hay có những yêu cầu muốn thỉnh ý ngài, khi đến giờ vào lớp Thầy Hungkar Dorje thường nói và trả lời ngay không đợi ai nêu câu hỏi. Trong lớp có cả trăm môn đồ nhưng khi Thầy giảng người nào cũng cảm thấy như Thầy đang nói với chính mình và đang hướng dẫn, trả lời thẳng cho thắc mắc hay vấn nạn của mình.
Ngài thường xuyên hướng dẫn môn đồ tổ chức các buổi phóng sinh trên biển ở khắp mọi nơi và cử hành lễ cúng dường Thần Tài bảo Orgyen Dzambhala để nhờ vào phước báu của việc phóng sinh và cúng dường tạo thiện duyên, thiện nghiệp mà hồi hướng cho chúng sinh các cõi và những người tham dự được phúc lợi, thế giới được phồn thịnh, an lạc. Như tiền thân là thánh sư vĩ đại Do Khyentse đã từng làm, ngài Hungkar Dorje từng thị hiện thần thông để khiển mưa, trừ tà làm lợi ích cho chúng sinh ở những nơi cách ngài nửa vòng trái đất hay độ thoát cho chúng sinh trong các cõi giới khác được đạt giải thoát. Năm 2006, tại vùng Xoxocotla, Mexico bị hạn hán, bảy (7) năm liền không có một giọt mưa, dân tình rất đói khổ, mùa màng thất thu, từng bày cá hàng chục ngàn tự dưng lăn ra chết, xác nổi đầy hồ Tequestitango. Nơi đây cách Mexico City một tiềng rưỡi lái xe, đó là thành phố gồm các biệt thự nghỉ mát của những đại gia giàu có của Mexico, và cũng là vùng nông nghiệp, nơi sản xuất đường lớn thứ năm (5) trong thế giới. Tuy thế dân bản xứ Mễ ở đây nghèo đói, khổ sở cùng cực, sự sống của họ dựa vào nông nghiệp và dịch vụ cho những người giàu có. Cả một vùng sống nhờ vào đường dẫn thủy nhập điền vào các ruộng mía, các loại cây, hoa trồng để bán lên Mexico City và sống bằng nghề phục vụ những đại gia giàu có khi họ đến nhà nghỉ hè của họ. Nạn hạn hán đã cắt tất cả cơ hội sinh sống, đói và khổ lại kéo theo tội ác; thật khắc nghiệt vô cùng. Khi ấy một môn đồ tâm thiết của Lamasang và Thày Hungkar đang nghỉ hè mặt ở Xoxocotla, thấy thế vô cùng thương xót. Người này gọi cho ngài Hungkar để xin hướng dẫn thực hiện một đàng cầu an cho địa phương này và cầu siêu cho linh hồn của hàng chục ngàn con cá bị chết đột ngột như đã nói ở trên. Sau đó, người này trở về Mỹ, tham gia thiền thất do ngài Hungkar hướng dẫn. Ngài cho biết vì tai họa của thời mạt pháp đã bắt đầu hoành hành nên có những sự kiện xảy ra như thế, sẽ không chỉ ở Mexico mà còn lan đi nhiều nước khác. Sau đó, ngài lấy ra một số bình tài bảo (Treasure Vase) do chính các vị tăng sĩ của tu viện thực hiện trong đàn pháp Orgyen Dzambhala và thày Hungkar đã mang theo trong chuyến hoằng pháp tại Mỹ kỳ ấy (phải chăng ngài đã có linh kiến trước nên đã chuẩn bị"); ngài mật lệnh cho người môn đồ này cầm hai bình tài bảo này trở lại Xoxocotla để giúp đỡ dân và chúng sinh ở đó, những bình còn lại được thả tại Coosbay, Oregon và Berkley, California trong các buổi thực hành pháp trên biển để hỗ trợ và an định loài rồng nơi đó, là những chưởng quản tài bảo của trái đất để họ hỗ trợ cho nhân gian.. Người môn đồ nói ở trên, ôm hai bình tài bảo trong cặp, theo hướng dẫn của ngài yên lặng trì chú, thực hành pháp suốt chuyến bay. Khi máy bay chị vừa bắt đầu đáp xuống phi trường Mexico City, trời bắt đầu đổ mưa....và tiếp tục mưa suốt đúng 7 ngày. Trong thời gian đó, chị được Thị Trưởng của Xoxocotla mời làm lễ cầu an cho dân. Chị đã tôn vinh lòng từ bi và trí huệ của đạo sư mình là Ngài Hungkar Dorje, đồng thời dạy dân Xoxocotla trì chú Tara theo nhân duyên của xứ xở này (theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiên nữ Bác ái Virgin Guadalupe của dân Mễ cũng cùng thể tánh từ bi trí huệ và chính là Phật Mẫu Tara). Trong lễ cầu an, chị và phái đoàn một số các hành giả Kim Cang cùng đi đã tổ chức một đám rước từ quãng trường trước Tòa Thị Chính đến nhà thờ chánh tòa của dân bản xứ. Hình, tượng Phật và của ngài Hungkar Dorje do nhóm Kim Cang hành giả này mang theo đã được bao nhiêu người dân Mễ gốc Thiên Chúa Giáo rước theo trong khi họ luôn đọc tụng....OM TA RE TU TA RE TU RE SO HA... Hình của Phật Mẫu Tara và Ngài Hungkar được để tại nhà thờ chánh tòa thờ cho đến hôm nay. Tất cả các sự tích này đã được báo chí, đài phát thanh địa phương loan tải cũng như ghi lại trong hồ sơ của tỉnh này.
Tháng 12 năm ấy, một số trí thức Mexico mời ngài sang giảng pháp tại Mexico. Trong buổi giảng này, có sự tham gia của nhiều nhân vật lãnh đạo và trí thức của Mexico gồm cả vài bộ trưởng đương thời và những nhân vật khác trong nội các. Trong kỳ ấy ngài đã dạy dân ở đây trì chú Guru (OM AH HUNG VAJRA GURU PAD MA SID DHI HUNG). Mật pháp Kim Cang vi diệu của ngài đã cứu mạng người có bịnh AIDS bằng chú Guru và giúp rất nhiều người khác.
Sang năm sau, 2007 Mexico lại thỉnh ngài Hungkar sang dạy pháp lần nữa. Tại hội trường hơn năm trăm người trước đó thuộc tôn giáo khác, đã cung kính thành tâm thọ lễ quy y và thọ Đạo sư du già giới với ngài. Ngài Hungkar Dorje là tôn sư dòng cổ mật đầu tiên đã truyền giới cho dân Mễ. Lamasang trước đó đã có lần sang Mễ giảng dạy nhưng không truyền giới; sau này Lama Lanang cũng thuộc tu viện Thubten Chokhor Ling đã thành lập trung tâm Kim Cang tại Monterey, Mexico.
Công hạnh của ngài bao la như không gian vời vợi, không bút nào tả xiết. Những đệ tử thân cận thường ví mỗi bước chân nhẹ nhàng của ngài đặt xuống mặt đất đầy oai lực như chuyển mình dõng mãnh của Bồ Tát Đại Thế Chí làm rung động thế giới khiến bao người rời bỏ tâm vô minh, niệm niệm thiện duyên sinh khởi, hằng hà phúc lợi kết thành.
Hungkar Dorje Rinpoche luôn nhắc nhở mọi người hãy đóng góp vào sự hòa bình của thế giới bằng chính thiện nghiệp do mình tạo nên, ác nghiệp do mình từ bỏ và phải nhất tâm hồi hướng cho pháp giới chúng sinh. Ngài là vị cao tăng Tây Tạng đầu tiên mạnh dạn phát động phong trào ăn chay tại Tây Tạng và Trung quốc và sau này tại tất cả mọi nơi trên đường hoằng pháp của ngài. Theo ngài, thưở trước vì hoàn cảnh sống khắt khe, để sinh tồn người Tây Tạng phải mua thịt các súc vật ăn cỏ sạch như trừu, Yak làm phương tiện độ thân. Hàng năm tu viện phải cử hành lễ hội Shambhala để cầu nguyện giải thoát cho những sinh linh này như đã nói ở trên. Ngày nay, với phương tiện giao thông hiện đại, rau trái đã được đưa lên từ miền đồng bằng, do đó ngài đã chuyển hẳn sang ăn chay trường và mọi người khác tại tu viện của ngài cũng được từ từ hướng dẫn để ăn chay cho đến khi tu viện này sẽ trở thành ăn chay toàn phần. Tu viện Thubten Chokor Ling hiện nay là tu viện Phật giáo Tây Tạng thuần túy ăn chay.
Dưới sự dẫn dắt đầy nhiệt tâm và sự áp dụng các phương tiện thiện xảo trong tám vạn bốn ngàn pháp môn theo lời Phật dạy, môn đồ của ngài đã đạt được nhiều kết quả trong việc tu tập cũng như đóng góp tốt đẹp cho các cộng đồng ở bất kỳ nơi nào mình có mặt như sự thể hiện của Bồ Đề Tâm chân chính và từ ái bao la.
Công hạnh và tiếng tăm của ngài bay xa khỏi núi đồi Golok, hàng ngàn người từ nhiều quốc gia trên thế giới đã thỉnh pháp của ngài, hoặc lặn lội qua ngàn cây số để tìm đến Golok học đạo với ngài. Ngay tại Trung Quốc ngài đã từng được mời giảng pháp cho hàng trăm ngàn tín đồ Phật giáo. Phẩm giá cao quý, sự hòa nhã nhưng rất uy nghi của ngài đã khiến cho các giới lãnh đạo địa phương rất tôn kính ngài. Họ thường đến thỉnh ý ngài về những việc tâm linh của gia đình họ cũng như các việc xã hội, từ thiện tại địa phương. Cũng nhờ thế ngài có thể thực hiện nhiều công trình quy mô tại tu viện mà ít bị khó khăn, chướng ngại.
Với môn đồ, ngài là vị Thầy từ bi tha thiết; trong tăng chúng ngài là vị Đạo sư chân chính không bộ phái được các Đạo sư lỗi lạc của mọi tông phái và xứ sở Phật giáo khắp năm châu quý trọng và tán thán. Sự quý trọng này không chỉ do bởi thân thế cao quý của ngài mà còn bởi năng lực và sự chứng ngộ mà ngài đã thể hiện trong từng hành năng của thân, khẩu, ý. Rinpoche là thành viên của hội đồng lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng. Ngài là chủ biên tập san Phật giáo của cộng đồng Golok, và cả của toàn tỉnh Qinghai (Thanh Hải) rộng lớn. Golok là thánh địa và chiếc nôi của nhiều vị thánh sư Phật giáo đời trước cũng như hiện còn trụ thế.
Ngài thường được mời giảng dạy tại các trung tâm Phật giáo thế giới của những tông phái khác như Đại Thừa, Nguyên Thủy, Kim Cang thừa. Trong thân tướng đơn sơ của một tăng sĩ, Kim Cang khẩu, ngữ của ngài đã đánh bạt mọi đám mây mù chấp vọng trong tâm của những người còn nghi hoặc để hướng dẫn họ trụ vào thanh tịnh trí huệ của Bát Nhã, tìm thấy Pháp thân của chính mình. Một số môn đồ kể lại rằng trước đây khi Thầy còn rất trẻ, Thầy được một số thiện trí thức mời giảng pháp. Do quan hệ với người tổ chức, thành phần tham dự là những người đứng đầu của giới trí thức, các nhà lãnh đạo địa phương và cũng là những học giả đương thời của Phật giáo. Một số trong những người này thường tự cho mình là đạo cao, đức trọng và uyên bác. Thoạt nhìn vóc dáng thanh tịnh, khiêm tốn của ngài với tuổi đời còn trẻ, họ đã khởi lòng kiêu mạn, gọi tên ngài trống không chẳng có chút gì kính trọng. Chưa đầy một thời Pháp, ánh sáng trí tuệ và sức mạnh Kim Cang đã phá vỡ vô minh của họ. Khi Thầy đứng dậy, những người này đều cung kính chắp tay đảnh lễ và chấp nhận ngài là bậc Đạo sư chân chính.
Là Hóa thân trí huệ của Đức Văn Thù Sư Lợi, Hóa thân về tâm của Jigme Lingpa, ngài hội tụ nhiều khả năng lỗi lạc về văn chương, hội họa và cả tiên tri. Rinpoche đã viết rất nhiều bài giảng cũng như luận thuyết Phật giáo và đã được các Đạo sư vĩ đại đương thời tán thán là tinh hoa Phật giáo. Những tài liệu này hiện đang được và sẽ được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để trợ duyên cho người tu tập. Rinpoche chủ trương truyền giảng Chánh Pháp chân chính của Đức Phật đến mọi tầng lớp, không phân biệt màu da, tôn giáo. Với sự dịu dàng, cảm thông và cởi mở, ngài không chỉ là một Đạo sư mà còn là người bạn thân thiết của mọi người. Nhiều tổ chức không Phật giáo đã thỉnh mời ngài giảng dạy về trí huệ và lòng từ bi trong triết lý đạo Phật.
Trong những năm tháng tới đây, ngài tiếp tục hoằng pháp ở nhiều nước trên thế giới từ Hoa Kỳ, Âu châu, Châu Mỹ La Tinh, Á châu cho tới Phi châu.
LỜI CẦU NGUYỆN TRƯỜNG THỌ CHO HUNGKAR DORJE RINPOCHE
ZAB DANG GYA CHE YONG DZOG TUB PA’I TEN
Bởi ngài đã thành tựu sự chứng ngộ tuyệt hảo nhờ việc nghiên cứu, quán chiếu
TO SAM GOM PA’I TSUL SHIN LEG TOG NE
và thiền định một cách đúng đắn về giáo lý sâu xa, bao la và tuyệt đối của Đức Phật,
RI ME GYAL TEN DZIN CHING PEL PA LA
Ngài Khyentse Rigdzin Hung Kar Dorje,
KHYEN TSE RIG DZIN HUNG KAR DORJE TSAL
Chúng tôi cầu nguyện ngài được trường thọ như một thành tựu giả vô song, siêu phàm
DA DREL DRUB PA’I CHOG TU SHAB TEN SOL
Để bảo tồn và truyền bá giáo lý không bộ phái của các Đấng Chiến Thắng.
DRUB PA’I WANG CHUG LONG CHEN JIG DREL LING
Cầu mong cuộc đời ngài là một sự trải rộng của những khuôn mẫu mà những Vidyadhara (những bậc Trì Minh) đã tiếp nối,
TUL SHUG CHOD CHANG YESHE DORJE SOG
Giống như bậc vĩ đại nhất trong tất cả các thành tựu giả, Đức Long Chen Jigdral Ling,
RIG DZIN GYUD PA’I NAM TAR JE KYONG TE Yeshe Dorje (Do Khyentse),
bậc dấn mình vào Những Giới luật Du già, và những vị khác,
TSE SOD WANG TANG LUNG TA RAB GYE DZOD
Và cầu mong cuộc đời, sức khỏe, ảnh hưởng và năng lực của ngài mãi mãi tăng trưởng!
Đức Đạt Lai Lạt Ma biên soạn thi kệ này tại Dharamsala vào tháng Mười năm 1995 theo lịch Tây Tạng.
(Jampal Drolma bổ túc từ bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên)
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương