28 kg, trọng lượng cơ thể của Nguyễn Bích Lan, là thứ có
thể cân đong, nhưng nghị lực phi thường trong cuộc sống để trở thành một dịch
giả văn học của chị lại là thứ khó mà đo đếm.
Dương Tử Thành
Mọi người vẫn biết đến chị trong vai trò dịch sách văn học,
nhưng mới đây, Bích Lan đã xuất bản tập thơ văn “Sống trong chờ đợi” như một món
quà tặng cho cuộc sống và những người yêu mến chị. Con đường đến và ở lại với
văn chương của Bích Lan khiến những người viết trẻ hôm nay không khỏi suy
ngẫm.
- Căn bệnh hiếm gặp đã làm cuộc sống của chị thay đổi theo
chiều hướng xấu, nhưng rồi điều gì đã khiến nó biến đổi theo chiều hướng ngược
lại?
- Niềm khát sống, tình yêu thương của mọi người, của cuộc đời.
Cũng không thể không kể đến tố chất mạnh mẽ, sự kiên trì và sức chịu đựng gian
khổ có trong con người tôi.
Nguyễn Bích Lan trong góc làm việc của
mình.
|
- Chị có nghĩ rằng theo một nghĩa nào đó thì mỗi người đều
có một bi kịch của riêng mình?
- Tôi sẽ không gọi đó là bi kịch. Tôi tin với tất cả mọi người,
cuộc sống này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong cuộc đời của bất kỳ người
nào cũng có rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng trong khó khăn và thử thách
cũng hàm chứa rất nhiều cơ hội cho mỗi chúng ta.
- Khi nào thì cô gái Nguyễn Bích Lan cảm thấy mình không còn
bất hạnh?
- Từ lâu rồi tôi đã thấy mình hạnh phúc. Đó là từ khi tôi tìm
thấy tiếng Anh như một nguồn vui, một thứ ánh sáng dẫn tôi ra với thế giới. Bạn
phải thực sự yên tâm, thực sự bình an trong tâm hồn bạn mới có thể ngồi dịch hết
trang sách này đến trang sách khác, hết ngày này qua ngày khác. Nếu bạn bồn chồn
và ủ ê, bạn sẽ không làm nổi cái công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và công
phu đó.
- Chị từng tâm sự, “khi buồn tôi nghĩ đến người khác còn
đang phải buồn hơn mình”, thế còn khi vui chị thường nghĩ đến điều gì?
- Khi vui tôi nghĩ đến sự công bằng của cuộc đời.
- Có một câu ngạn ngữ đại ý “người có sức khỏe thì có hàng
trăm ước muốn, còn người không có sức khỏe chỉ có duy nhất một ước muốn là có
sức khỏe mà thôi”, nhưng dường như ngoài ước muốn sức khỏe chị vẫn còn nhiều ước
muốn khác?
- Tôi là một người có sức khỏe tinh thần đủ để nuôi dưỡng những
khát vọng. Tôi muốn dịch rất nhiều, rất nhiều những cuốn sách văn học mà tôi đã
tìm thấy trong kho sách của thế giới.
- “Không phải số năm chờ đợi làm nên một người chờ đợi giỏi,
sống như thế nào trong lúc chờ đợi mới là điều cốt yếu”, chị đã viết như thế
trong “Sống trong chờ đợi”, và chị đã sống như thế nào trong những năm tháng
“chờ đợi” ấy?
- Căn bệnh của tôi chưa có thuốc chữa (Nguyễn Bích Lan bị bệnh
loạn dưỡng cơ từ năm 13 tuổi, một căn bệnh rất hiếm gặp - PV). Bác sĩ bảo tôi
phải chờ đợi. Và tôi đã chờ đợi được 23 năm rồi. Để chờ đợi được chừng ấy thời
gian tôi đã làm tất cả những gì có thể để quên đi sự thật rằng mình đang phải
chờ đợi. Tôi tự học, dạy học, dịch sách, viết truyện và làm thơ. Ngày của tôi
cũng bận rộn như ngày của bất cứ người bình thường nào. Tôi sẽ tiếp tục chờ đợi
theo cách đó.
Cuốn sách của Nguyễn Bích Lan.
|
- Bỏ qua hoàn cảnh và nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì
cái tên Nguyễn Bích Lan ở mảng văn học dịch đã được ghi nhận, nhưng còn mảng
sáng tác thì chị đang đi những bước đầu tiên, khi ra cuốn sách đầu tay chị có
thấy hồi hộp như khi công bố cuốn sách dịch thứ nhất không?
- Tôi muốn nói điều này: bất cứ cuốn sách dịch nào của tôi ra
đời tôi cũng vui, cũng xúc động như cuốn đầu tiên. Tôi đối xử với “những đứa con
tinh thần” của mình một cách công bằng. Tôi lặng lẽ viết từ lâu rồi. Có truyện
ngắn của tôi được “phôi thai” từ trước khi tôi bắt đầu dịch tiểu thuyết. Tất
nhiên, tôi hiểu, với báo chí và bạn đọc thì cuốn sách sáng tác đầu tay, của tôi
đáng chú ý bởi vì trước đó tôi chỉ xuất bản sách dịch.
- “Vớt lên trăm sự đã rồi / Chỉ mong vớt được chính tôi một
lần”, có vẻ như “vớt” được mình lên khỏi cái hố bi kịch cá nhân luôn là khát
vọng của chị trong đời sống và cả trong sáng tác?
- Tôi nghĩ ai cũng có khát vọng “vớt” mình ra khỏi những điều
không mong muốn (tôi không dùng từ “bi kịch” đâu nhé). Trong cuộc sống cũng vậy
mà trong văn học cũng thế. Trong cuộc sống điều không mong muốn có thể là sự hèn
nhát, ỉ lại, sự tự ti… Trong sáng tác những điều không mong muốn có thể là sự
nhạt nhẽo, sự lặp lại nhàm chán, sự thiếu sáng tạo….
- Và với những gì thể hiện trong “Sống trong chờ đợi” chị có
nghĩ rằng mình đã thực hiện được khát vọng ấy?
- Nếu bạn sống một cuộc đời như cuộc đời của tôi thì luôn cần
phải có khát vọng. Hôm nay tôi “vớt” được mình ra khỏi trở ngại này, ngày mai
tôi lại gặp phải thách thức khác khiến tôi khao khát được thoát ra. Cuộc sống
của tôi là một hành trình đặc biệt: những thách thức nối tiếp nhau cho đến hết
cuộc hành trình.
- Các truyện ngắn trong “Sống trong chờ đợi” ít nhiều mang
dáng dấp tự truyện, và cuộc đời Nguyễn Bích Lan sẽ là một cuốn tự truyện mang
nhiều ý nghĩa, chị có ý định sẽ viết tự truyện không?
- Tôi đang viết tự truyện đấy. Tự truyện của tôi sẽ được công ty
First News xuất bản trong năm 2012
- Chị định gửi gắm gì ở cuốn tự truyện đang viết?
- Tôi kể lại hành trình vượt khó của mình. Tôi muốn chia sẻ với
bạn đọc những điều đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn tưởng chừng không
thể vượt qua nổi. Tôi muốn cuốn tự truyện của tôi sẽ góp phần khích lệ những số
phận kém may mắn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
- Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra, tuy không thể
tham dự Hội nghị nhưng chị vẫn luôn hướng về nó, trong số những gương mặt trẻ
tham dự hội nghị chị muốn gặp gỡ với ai?
- Tôi muốn gặp gỡ tất cả những ai đã được mời đến hội nghị. Tôi
đã “gặp” một vài người trong số họ qua văn chương và báo chí. Tôi nghĩ chúng tôi
có thể chia sẻ với nhau nhiều điều liên quan đến con đường văn chương của mỗi
người.
Dương Tử Thành thực
hiện
Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Thái Bình. Vượt lên hoàn cảnh
bệnh tật hiểm nghèo, chị đã dịch 23 đầu sách văn học được sự đón nhận của thị
trường trong nước, trong đó bản dịch tiếng Việt “Triệu phú khu ổ chuột” đã được
tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. Năm 2010 chị đã được kết nạp và
Hội Nhà văn và là một trong số rất ít các nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam
hiện nay. “Sống trong chờ đợi”, tập thơ văn của Bích Lan mới đây đã được Nhà
xuất bản Trẻ ấn hành.
|
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương