Chim non không tổ

Từ Thanh Thúy bên hai em bé mồ côi. 

"Không biết còn ai thiệt thòi như em, bất hạnh như em... Nếu không tỉnh táo thì em đã cuốn vào vòng xoáy của tội lỗi... ". Cô gái tuổi 23 Từ Thanh Thúy đã tâm sự như thế với tôi bên vỉa hè Bệnh viện Da liễu Trung ương. Lúc này, em đang tình nguyện chăm sóc một bệnh nhân không hề quen biết bị vết thương hoại tử...
Ðứa trẻ bị bỏ rơi

Chuyện của em là một trang đời ngắn nhưng đầy nước mắt. Thúy sinh năm 1992, tại Ninh Kiều, Cần Thơ, sự có mặt của em là kết quả của một "mối tình trẻ con". Nghe kể lại, em bị mẹ bỏ rơi ngoài chợ khi mới 10 ngày tuổi, may mắn thay được ông nội phát hiện và đem về nuôi. Thúy kể: "Ông nội nói lúc hai người yêu nhau, má và ba đều vắt mũi chưa sạch, chẳng may bị nhỡ mà có bầu em. Gia đình ông nội mâu thuẫn với má nên không chấp nhận cho cưới, với lại cả hai đều chưa đủ 15 tuổi. Thế là má nhẫn tâm bỏ em... ".

Người cha trẻ cũng đi biền biệt, cả năm mới về một lần, chẳng chăm con được ngày nào. Thúy được sống và được cho đi học là nhờ ông nội. Trong sổ hộ khẩu gia đình, ông nội được khai là "cha" của Thúy, còn cha ruột lại là "anh trai"! Sau khi đủ tuổi, người cha của em đi lấy người khác và quên luôn con gái. Chưa hết nghiệt ngã, thiếu tình thương của cha mẹ đã đành, Thúy phải nhận sự ghẻ lạnh của cô - dì - chú - bác, suốt ngày thui thủi một mình, không có ai chỉ dạy, chia sẻ. Năm lên 12 tuổi, em bị gã hàng xóm cưỡng hiếp mà không dám nói với ai, để đến hai năm sau tên thanh niên đồi bại đó lại "đòi" một lần nữa. Sự việc sớm rơi vào quên lãng, cô bé tự ti, xấu hổ đã không dám hé răng nửa lời.

Vài lần Thúy nghe người lớn nói chuyện, nhắc đến mẹ đẻ, tò mò em đã xin được số điện thoại của mẹ và gọi. Mẹ con lén lút gặp nhau ngoài công viên, dù mẹ khóc, con khóc nhưng Thúy không nhận thấy sự ấm áp của tình thân. Sau buổi đó, ai về nhà nấy, không thấy người mẹ nói gì đến trách nhiệm. "Em không thấy buồn, chẳng thấy vui anh ạ. Em vô cảm và ngờ vực, không biết đó có phải má ruột của mình hay không nữa. Em cũng nhận ra bả đã ba đời chồng và cũng bỏ rơi một đứa con trai nữa... ". Thúy tâm sự.

Sự khắc nghiệt của những người trong họ hàng đã "đánh bật" cô bé ra khỏi vòng tay ông nội, đó là khi Thúy 16 tuổi, đủ suy nghĩ để nhận ra những lời bóng gió, những cái nhìn khinh ghét luôn xoáy vào mình. Một ngày kia, cô quyết định bỏ nhà lên TP Hồ Chí Minh. Trong hoang mang lo sợ, đang đói lả và tủi thân ngồi khóc ở cổng một nhà thờ thì gặp được một cô gái tốt bụng giới thiệu vào mái ấm Tê Phan. Kể từ đó Thúy được mái ấm cưu mang, được học thêm nhưng nỗi ám ảnh về quá khứ, về những lần bị cưỡng bức khiến cô đề phòng với tất cả mọi người.

Hướng về phía trước

Có bao giờ mẹ đi tìm em? Thúy cho biết, mẹ không bao giờ tìm em, cũng chẳng có ý định bù đắp cho cô con gái thiệt thòi. Cha em lại càng không. Bởi thế, biết cha mẹ còn sống mà như đứa trẻ mồ côi, có đủ họ hàng nội ngoại mà không thể về. Mỗi lúc nhìn thấy những đứa con gái đi bên mẹ cha, được yêu thương, được nũng nĩu, cô bé đều rơi nước mắt. Nhiều lần bấm điện thoại vào số của mẹ, chẳng liên lạc được, cô bé thấy người muốn khuỵu xuống. Thúy nói: "Người nói ba có tội, người nói má. Em không hiểu gì hết, em chỉ thấy cả hai đều vô trách nhiệm và đều không thương em. Lần nào em gọi được cho má, hai má con chỉ nói chuyện nhát gừng, cứ như hai người không phải là ruột thịt".

Ðiều quan trọng với Thúy khi ở mái ấm Tê Phan không chỉ em có được một chốn nương thân, mà ở đó em tìm thấy tình thương, tìm được một tia ước mơ nhỏ nhoi của mình: làm từ thiện. Năm 2011, Thúy từ giã mái ấm để xin đi làm và được giới thiệu vào một cơ sở mát-xa cho người mù. Một thời gian sau, ao ước sống bên gia đình đã dẫn em về bên ông nội ở Cần Thơ. Hy vọng thành thất vọng, trừ ông nội ra, mọi người vẫn có cái nhìn cay nghiệt với em. Mấy năm xa nhà không đủ khiến họ yêu thương đứa cháu tội nghiệp. Như chim non không tổ, Thúy quay lại

TP Hồ Chí Minh sống lang thang và từng nhiều lần nghĩ quẩn. Ðược giới thiệu đi làm PG trong một vũ trường, tại đó, em từng bị sàm sỡ. Lối sống quay cuồng cùng những hình ảnh phản cảm làm em hoảng sợ. Ðược chừng một tháng, Thúy chạy trốn khỏi nơi đó vì sợ rằng mình sẽ sa ngã...

Với ước mơ ban đầu, Thúy kiếm việc tử tế làm thêm, đi hiến máu nhân đạo và tìm hiểu về các nhóm từ thiện. Một phần muốn giũ bỏ quá khứ, Thúy nghĩ Hà Nội là nơi bản thân có thể dừng chân để thực hiện các ước mơ thiện nguyện. Vừa ra đến Hà Nội, nghe nói về chàng thanh niên Phạm Văn Hảo, người Ðại Từ (Thái Nguyên) mồ côi cha mẹ, bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu, Thúy tìm vào đó chăm sóc. Hảo là người lạ, liệt từ thắt lưng xuống, vệ sinh cũng không tự chủ được, Thúy giúp cho một người bệnh tật như thế đã khiến nhiều người nể phục.

Chưa hết, Thúy ý định làm nhiều việc thiện khác: hiến một quả thận cho bạn Hoa Ðức Công (chàng trai có tài nhảy hiphop bị hỏng thận), hay hiến giác mạc, một phần lá gan cho những người bệnh khác. Bè bạn nhóm thiện nguyện "Ấm" nói rằng Thúy quá... "hồn nhiên". Bởi, muốn làm từ thiện thì bản thân phải khỏe, mới có thể giúp được nhiều hoàn cảnh khác. Tôi biết, Thúy không hồn nhiên mà đơn giản chỉ vì muốn làm những việc em cho là tốt. Nhưng thật sự hoàn cảnh của em cũng quá thiệt thòi và cần giúp đỡ. Thúy đang tìm một việc làm tạm để tồn tại và có thể làm từ thiện dù nỗi ám ảnh, mặc cảm vẫn chưa bao giờ vơi. Nhưng dù sao thì cô gái ấy cũng đang nỗ lực từng phút, từng giờ và cố gắng hướng cuộc đời mình đi về phía trước...

* Buổi đêm cùng nhóm "Ấm" đi phát quà từ thiện, tôi thấy cô gái bé nhỏ ấy rất khéo léo trong việc vỗ về, động viên những người vô gia cư, như thể em chưa từng là cô gái bất hạnh. Thúy nói với tôi, chỉ mong má đừng bỏ rơi đứa con nào nữa, cũng đừng diễn ra mối tình trẻ con nào trên đời này, để khỏi có những đứa trẻ lang thang như em...
 

KHÁNH THẢO

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/cuoc-doi-va-so-phan/item/20243602-.html

0 nhận xét:

Sẻ Chia Yêu Thương