Vào mỗi buổi trưa thứ
3, 5, 7, hàng trăm sinh viên và những người nghèo lại kéo về con hẻm
nhỏ trên đường Ngô Quyền, quận 10, TP HCM xếp hàng, chờ tới lượt lượt
mua cơm với giá 2.000 đồng một suất.
Quán cơm đi vào hoạt động từ giữa năm 2009 do các thành viên của diễn đàn "Người tôi cưu mang" quản lý. Tấm biển "phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo" được treo ngay trước cửa ra vào. |
![]() |
Chỉ có một vài đầu bếp ở đây được thuê, còn lại là những tình nguyện viên, sinh viên tự nguyện đến phục vụ. Người quản lý quán cơm chia sẻ: "Chúng tôi lấy họ 2.000 đồng để họ không có cảm giác mắc nợ ai, và cũng không phải là miễn phí". |
![]() |
Người dân nghèo đứng xếp hàng để đợi đến lượt, bên cạnh là chỗ để xe. Theo một tình nguyện viên, do một số người chưa có ý thức tự giác hoặc mới đến nên phải làm biển hướng dẫn. |
![]() |
Khách xếp hàng ra tận đường cái lớn. Khuôn mặt ai cũng thể hiện cảm giác mệt vì... chờ quá lâu. |
![]() |
Những người khuyết tật được ưu tiên phục vụ cơm tận nơi bên lề đường. |
![]() |
Quán đông nghẹt người gồm đủ thành phần: người lao động, học sinh, sinh viên. Căn nhà là của một thành viên trong diễn đàn. Mặc dù hơi chật, nhưng ở đây chỉ bán cho người ăn tại chỗ mà không được mang về. |
![]() |
Chỉ có 2.000 đồng nhưng mỗi phần cơm bao gồm đầy đủ các món mặn, canh, rau xào. |
![]() |
Tùy theo nhu cầu, người đến ăn có thể chọn phần nhiều hoặc ít cơm đã chia sẵn trên kệ. Các khâu chế biến ở đây được làm theo một dây chuyền khá sạch sẽ. Người làm bếp phải dùng khẩu trang và bao tay. Người đến ăn phải tuân theo nội quy quán đề ra và tự phục vụ. |
![]() |
Sau khi được thông báo tạm ngưng bán vé vì đang chế biến thêm đồ ăn, nhiều người đứng xếp hàng thấp thỏm "không biết có còn đủ đến lượt mình". |
Độc giả có nhu cầu hỗ trợ xin liên hệ địa chỉ: 14/1 Ngô Quyền, phương 5, quận 10 hoặc diễn đàn http://www.nguoitoicuumang.com/. Người quản lý diễn đàn anh Ánh số điện thoại: 0916.092600 |
Hải Duyên
Quán cơm 2.000 đồng giữa lòng Sài Gòn
Những tấm lòng vàng
![]() |
Sài Gòn hoa lệ với hàng quán, đồ ăn
đắt đỏ luôn là vấn đề lo lắng của các phụ huynh đưa con lên dự thi vào
đại học và cả những người nghèo ngày đêm phải lao động lam lũ để mưu
sinh, mong kiếm được miếng cơm, manh áo sống qua ngày.
"Làm gì để giúp đỡ họ?", câu hỏi đó đã thôi thúc các thành viên trong Ban quản trị website nguoitoicuumang.com quyết
tâm bắt tay vào thực hiện ý tưởng thành lập quán cơm với giá bán cực
rẻ, ai cũng có thể đến ăn mà không có cảm giác bị phân biệt đối xử.
“Thấy người nghèo sao cực quá nên các thành viên trong web mong muốn
chia sẻ với họ đỡ phần nào gánh nặng cuộc sống”, Anh Quyền (nickname
trên diễn đàn là pquyen) chia sẻ mục đích của quán.
Tuy nhiên, để ý tưởng trở thành hiện
thực là điều không hề đơn giản đối với các thành viên khi mà tiền thuê
mặt bằng ở thành phố rất đắt, đó là chưa kể đến hàng loạt những khó
khăn như kinh phí để hoạt động lâu dài, nhân sự phục vụ, giá bán như
thế nào để người ăn không bị tâm lý phải “đi xin” mà vẫn được bữa ăn
ngon. Những vấn đề tưởng chừng đơn giản đó đã làm anh Quyền “Nhiều đêm
không ngủ được lại thức dậy bàn kế hoạch với mọi người trên diễn đàn để
mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ”.
Cuối cùng, khi biết được mục đích, ý
nghĩa của quán, nhiều thành viên trong diễn đàn đã nhiệt tình tham gia
ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần, họ tự động viên nhau để tìm “lối
thoát”. May mắn cho quán là một người đã lên tiếng “góp vốn” bằng cách
dùng tầng trệt nhà mình để làm mặt bằng. Vấn đề “đau đầu” đã được giải
quyết, anh em “vui như mở cờ” liền xúm lại cùng nhau cải tạo lại quán
cho sạch sẽ, gọn gàng và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau hơn nửa năm thai nghén, ngày
5/9/2009, tại địa chỉ 14/1 Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10, quán cơm rẻ
nhất Sài Gòn đã chính thức được khai trương đúng với tên gọi ý nghĩa
của nó “Quán cơm 2000”- mỗi người đến đây đều được ăn một phần cơm mà
giá chỉ có 2000 đồng.
Những ngày đầu tiên, quán chỉ có 6
nhân viên thường trực bao gồm 1 đầu bếp chính, 2 phụ bếp và 3 nhân
viên. “Ngay ngày khai trương, quán đã nấu 200 phần cơm và đã ‘hết veo’
trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ khiến anh em rất vui vì nhiều người đã
biết đến quán. Nhưng sau đó lại lo lắng, thấy nhiều người đến muộn phải
lủi thủi ra về do hết cơm làm anh em chưa thể nào yên lòng…”, anh Quyền
bùi ngùi tâm sự. Thế nhưng bằng sự quyết tâm cùng góp sức của nhiều
thành viên trên diễn đàn nên đến nay quán đã nấu được 350 phần, song số
lượng người đến với quán thì ngày càng tăng gấp nhiều lần, vẫn không
sao đáp ứng đủ.
Xuân Kiên (sinh viên Đại học Công
nghệ) - tình nguyện viên của Cơm 2000 chia sẻ: "Em làm ở đây hơn 1
tháng rồi. Nhiệm vụ chính của em là tìm chỗ ngồi và lấy phần ăn cho
những người khuyết tật hoặc các cụ già đi lại khó khăn. Sắp tới các bạn
sinh viên lên thi Đại học rất nhiều, em sẽ giới thiệu cho các bạn tới
ăn ở quán. Chỉ mong các bạn yên tâm để thi cho thật tốt”. Kiên là một
trong hơn 20 tình nguyện viên thay nhau đến phục vụ tại quán.
Hầu hết nhân viên “chạy bàn” tại quán
do các bạn tình nguyện viên đang là sinh viên các trường đảm nhiệm, họ
biết đến quán cơm 2000 khi tình cờ, hoặc được bạn bè giới thiệu qua
trang web. Thấy được mục đích, ý nghĩa của quán, nhiều bạn trẻ nhiệt
tình tham gia, trong số đó có bạn đã gắn bó với người nghèo từ những
ngày đầu thành lập và hiện nay đi làm nhưng vẫn thu xếp công việc đến
giúp đỡ quán.
Có mặt tại quán, chúng tôi nhìn thấy
hai cô bé “chạy bàn” rất nhanh nhẹn, thao tác công việc khá thuần thục
và luôn nở nụ cười với khách. Qua khi tìm hiểu, được biết đây là hai
bạn tình nguyện viên mới nhất của quán là Kim Thanh và Kim Yến (17
tuổi, quê ở Bến Tre); tranh thủ thời gian nghỉ hè, hai em lên Sài Gòn
để theo chân người dì đến quán phục vụ. “Chúng em sẽ làm ở đây đến đầu
năm học, khi nào về quê sẽ kể cho mọi người nghe về quán. Do làm việc
chưa quen nên hơi mệt nhưng vui lắm, đây sẽ là mùa hè ý nghĩa nhất của
chúng em”, Thanh- Yến hớn hở cho biết.
![]() |
Người dân phải xếp hàng đợi đến lượt mình vào ăn vì quá đông
|
“Gia đình em ở quê làm ruộng, đầu
tháng mẹ gửi cho ít tiền nhưng phải trang trải cho biết bao nhiêu thứ.
Vì vậy, ngay lúc biết quán cơm 2000, em đã gọi điện về kể lại và mẹ
mừng lắm, không còn lo em phải nhịn đói vì sợ hết tiền ăn vào cuối
tháng nữa”, Minh Trung, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Sư phạm tâm sự.
Trung ngậm ngùi kể tiếp: “Mấy người bạn em kinh tế gia đình khá giả
hơn nên đi ăn cơm tiệm, mỗi bữa phải tốn 15.000- 20.000 đồng hết, nhưng
giờ em tự tin nói rằng phần cơm 2.000 đồng ở đây chẳng khác gì cơm các
bạn ấy ăn”.
Quán cơm 2000 bắt đầu mở cửa từ lúc 11h các ngày thứ 3, thứ 5, thứ
7 hàng tuần. Mỗi ngày một thực đơn với món ăn khác nhau, đầy đủ các
món mặn, canh, xào, tráng miệng và được chia sẵn cho vào khay theo từng
phần. Đặc biệt, quán miễn phí cơm và canh thêm cho những ai có nhu
cầu.
“Ngon- rẻ- sạch” là 3 từ ngắn gọn các
“thượng đế” nhận xét về quán khi được hỏi. Anh Ngô Văn Hiệp (40 tuổi)
làm nghề đạp xích lô là một trong những người đến chờ sớm ngoài cổng
hào hứng nói “Tôi phải đến sớm chờ xếp hàng mua cơm đó. Tranh thủ uống
cốc trà đá 500 đồng ngồi chờ còn hơn đến muộn không còn cơm mà ăn…”.
Lúc này đồng hồ chỉ mới 10h.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lê Minh Hiếu
(30 tuổi) làm nghề nhặt ve chai, không có nhà cửa, hàng đêm phải ngủ
ngoài đường. Thế nhưng, từ hôm biết đến quán, gánh nặng cơm áo đã bớt
đi phần nào với bản thân. Người thanh niên nhỏ nhắn, nước da sạm đen
này rưng rưng, “Không biết những người đã thành lập ra quán ở đâu,
nhưng tôi cảm ơn họ nhiều lắm. Hy vọng quán sẽ có điều kiện mở rộng hơn
nữa cho những người nghèo như tôi được biết thế nào là bữa ăn ngon”.
Mong ước của anh Hiếu cũng là nỗi
niềm chung của các thành viên thành lập quán. Vì thực tế, mỗi phần cơm
bán cho khách hàng, quán phải bù lỗ 8.000 đồng/phần. Quan sát tại đây,
chúng tôi nhận thấy do nhân sự ít nên cứ đến “giờ vàng” là nhân viên
phục vụ phải chạy “chóng mặt”. Mặt khác, do không gian hơi chật hẹp nên
những người đến ăn cơm phải đứng ở ngoài, đợi người ở trong ăn xong
mới vào được…
“Chỉ mong các mạnh thường quân góp
tay quan tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn để chúng tôi có điều kiện phục vụ
được nhiều người hơn. Mỗi lần mọi người đến ăn mà hết phần phải ra về
là chúng tôi trằn trọc cả ngày. Nhưng kinh phí có hạn biết làm sao bây
giờ…” Anh Quyền nghẹn lời chia sẻ.
Có lẽ hiểu được những khó khăn của
quán nên khách nào đến đây cũng rất ý thức, trật tự xếp hàng chờ đợi và
ăn hết phần cơm của mình. Khi được chúng tôi hỏi, mọi người đến đây
đều trả lời, “Không còn ước mong gì hơn được nữa. Như thế này là quá
tốt với chúng tôi rồi…”, nói xong, những người có hoàn cảnh khó khăn
liền nở nụ cười rạng ngời của họ trước khi lại trở về nỗi lo cuộc sống.
![]() |
![]() |
Mỗi ngày, quán nấu 350 phần nhưng vẫn không đáp ứng đủ
|
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
"Ngon- bổ- rẻ" cùng vấn đề an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu của quán
|
![]() |
Bạn Xuân Kiên đang giúp đỡ bà cụ đến ăn cơm
|
Thí sinh lên TP HCM dự thi, những người có hoàn cảnh khó khăn có thể đến ăn từ thiện ở một số địa chỉ sau.
1. Quán cơm 2.000đ : 14/1 Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10
2. Quán cơm 2.000đ: Đường số 3, cư xá Lữ Gia, Quận 11
3. Quán cơm Thiện Tâm: chân cầu Lê Văn Sỹ, Quận 3
4. Chùa Vạn Thiện: hẻm 360 đường Trần Phú, Phường 4, Quận 5
|
"Thành công mong bạn nhớ anh em còn khó khăn", đó là câu nói mà tất cả các thành viên của Diễn đàn Người tôi cưu mang, cũng như những người đến đây.
Hoài Giang - Tào Nga
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương